Khi Robot, Blockchain, AI thay thế rất nhiều công việc, học kế toán ra biết làm gì?
11/15 phần việc của dân kế toán, kiểm toán đang được RPA (Robotic Process Automation – tự động hóa quy trình bằng Robot), Blockchain hoặc AI “làm hộ”. Chưa có một ngành nào đặt trước thử thách lớn như ngành kế toán, kiểm toán, khi có tới 50% người được hỏi không biết, không thấy, không xác định được cơ hội việc làm trong tương lai trước sự phát triển không ngừng của công nghệ, Giám đốc Tài chính Navigos Group cho biết.
Trên trang tuyển dụng VietnamWorks, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đăng tuyển vị trí Senior Manager/Senior Product Manager (Quản lý cấp cao/Quản lý sản phẩm cấp cao) trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhưng lại tuyển trong ngành Tài chính (Finance).
FrieslandCampina Vietnam (công ty sở hữu thương hiệu sữa Cô gái Hà Lan) cũng đăng tuyển vị trí Finance Manager (Quản lý Tài chính), nhưng lại yêu cầu phụ trách những dự án về chuyển đổi số.
Thông tin tuyển dụng từ Vinamilk và FrieslandCampina Vietnam.
“Trang VietnamWorks gần đây có những yêu cầu tuyển dụng dường như trước giờ không thấy".
"Yêu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp vẫn là ngành Accounting (Kế toán) và Finance (Tài chính), nhưng không yêu cầu làm báo cáo tài chính, báo cáo thuế, báo cáo kiểm toán, mà lại yêu cầu làm trong lĩnh vực chuyển đổi số”, bà Chu Thị Ngọc Hạnh - Giám đốc Tài chính Navigos Group – chia sẻ tại sự kiện “Job Fair – Ngày hội tuyển dụng” của VietnamWorks mới đây.
Theo ghi nhận từ VietnamWorks, thị trường tuyển dụng bắt đầu xuất hiện những yêu cầu tuyển dụng tương tự đối với ngành kế toán, tài chính. Thị trường đang kỳ vọng người kế toán bước ra khỏi lĩnh vực kế toán, kiểm toán thường thấy, trong bối cảnh chuyển đổi số là không thể tránh khỏi.
“Mô hình làm việc truyền thống mà chúng ta đang làm trong quá khứ lẫn hiện tại sẽ ngày càng cũ kỹ, lỗi thời, nếu chúng ta không chịu thay đổi”, bà Hạnh nói thêm.
11/15 phần việc của kế toán, kiểm toán đang được máy móc “làm hộ”
Công nghệ đang tác động ngày một sâu vào công việc hàng ngày của người kế toán. Theo một nghiên cứu của các Giáo sư ĐH Melbourne (Úc) về ảnh hưởng của 3 công nghệ RPA Robotic Process Automation – tự động hóa quy trình bằng Robot), Blockchain và AI/DA (Data Analytics – phân tích dữ liệu), tới 11/15 phần việc trong 3 lĩnh vực chính của kế toán đang được từng phần hoặc cả ba công nghệ trên “làm hộ”. Cụ thể:
- Trong lĩnh vực Xử lý số liệu: RPA và Blockchain gần như có thể thay thế con người trong các công đoạn nạp dữ liệu đầu vào, kiểm tra dữ liệu, kiểm soát sự hoàn chỉnh của dữ liệu. Có thể cho RPA chạy kiểm soát trong các dữ liệu thu thập, còn thiếu trường thông tin nào thì robot quét tìm thêm để điền vào.
- Trong lĩnh vực Phân tích số liệu: RPA và Blockchain chưa làm nhưng AI có thể làm được là xử lý dữ liệu ở mức cao cấp hơn, ví dụ phân tích từ dữ liệu đầu vào, có thể đưa ra mô hình kinh doanh, gợi ý những mô hình kinh doanh, gợi ý tệp khách hàng, sản phẩm mang lại lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp cần tập trung phát triển…
- Đưa ra các quyết định từ số liệu
“Ở quá khứ và hiện tại, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng người kế toán làm những công việc thường thấy như nhập số liệu, thanh toán hóa đơn, làm báo cáo thuế, lên báo cáo tài chính... – những phần việc quen thuộc và mang tính truyền thống. Nhưng trong tương lai, những công việc mang tính lặp lại và mang tính quy trình, thì RPA, Blockchain, AI đã có thể làm được”.
“Công nghệ tham gia vào rất nhiều công việc của người làm tài chính. Với những lĩnh vực mới như Fintech, tài chính phi tập trung, HealthTech, EdTech, người ta sẽ kỳ vọng chúng ta không chỉ là người làm kế toán – tài chính truyền thống, mà sẽ là Business Strategic Advisor (Cố vấn chiến lược kinh doanh)”, bà Hạnh nói.
Thách thức lớn của ngành kế toán: 50% người được khảo sát không biết, không thấy, không xác định được cơ hội việc làm tương lai
Theo Giám đốc Tài chính Navigos Group, trong tương lai, doanh nghiệp sẽ kỳ vọng người làm kế toán có kỹ năng phân tích, gây ảnh hưởng được với các bên liên quan như nhà đầu tư, cổ đông…, có hiểu biết về mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, điểm mạnh/yếu so với đối thủ cạnh tranh, “điểm chạm” tới khách hàng.
Trước những đòi hỏi mới của thị trường, nhân sự ngành kế toán không quá lạc quan.
Bà Hạnh dẫn kết quả khảo sát của ACCA (Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc) cho biết, với câu hỏi “Nhìn thấy sự phát triển của Fintech, bạn có lo lắng cho nghề nghiệp của bạn? Bạn có nhìn thấy cơ hội việc làm trong sự phát triển không ngừng nghỉ của ngành công nghệ?”, 50% trả lời “Có nhìn thấy cơ hội việc làm”.
14% trả lời là “Không. Robot, Blockchain, AI làm hết rồi. Tôi thấy cơ hội nghề nghiệp như mất đi”.
26% không có ý kiến.
10% trả lời “Tôi không biết tôi có cơ hội nghề nghiệp nào hay không”.
“Như vậy, với một câu hỏi đơn giản, đến 50% số người được hỏi hoặc không thấy, không biết, hoặc không xác định được cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Họ hoàn toàn bất định trong sự phát triển của công nghệ thông tin. Có ngành nào đặt trước một thử thách lớn lao như vậy?”, bà Hạnh nói.
Bà Hạnh khẳng định trong sự phát triển của CNTT, vai trò của người làm kế toán vẫn được củng cố thông qua các vị trí như Chief Finance Officer (Giám đốc Tài chính) hay Finance Controller, Finance Manager, Auditor (Kiểm toán). “Những vai trò truyền thống mất đi, nhưng đồng thời trong sự phát triển của CNTT sẽ có những vai trò mới như trưởng bộ phận chuyển đổi số, kế toán số, cố vấn chiến lược Fintech… Những cơ hội mới, vai trò mới sẽ được mở ra bên cạnh những vai trò truyền thống chúng ta đang thấy”, bà Hạnh nói thêm.
4 điều người kế toán cần làm để chuẩn bị cho tương lai
Theo Giám đốc Tài chính Navigos Group, người kế toán cần luôn “nâng cấp bản thân” để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể:
- Hiểu các mô hình kinh doanh mới;
- Luôn cập nhật kiến thức chuyên môn (qua con đường học trực tiếp hoặc trực tuyến, đọc các bài báo chuyên môn, hoặc theo các khóa học chuyên ngành chuyên sâu);
- Có tư duy công nghệ (Technology Mindset);
- Sẵn sàng học hỏi và thay đổi;
“Ảnh hưởng của công nghệ chỉ là sớm hay muộn, không thể tránh khỏi. Trước đây câu chuyện hóa đơn điện tử như chuyện xa xôi, nhưng sau khi Nhà nước ra quyết định áp dụng từ tháng 7/2022, tất cả đều áp dụng được hết. Navigos Group chuyển đổi ERP rất thành công cách đây 10 năm, sau đó chuyển đổi hóa đơn điện tử cách đây 6 năm và nay đang làm một dự án về RPA rất suôn sẻ”.
“Câu chuyện của công nghệ là câu chuyện của tương lai, nhưng chắc chắn sẽ diễn ra, chúng ta không thể tránh khỏi dòng chảy đó. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế ngay từ bây giờ để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, phải chấp nhận cái mới và sẵn sàng thay đổi, không thì sẽ bị đào thải”, bà Hạnh nhấn mạnh.